Bố mẹ cần làm gì khi con nói hỗn?

Điều này có thể sẽ tạo nên sự sứt mẻ hay một khoảng trống tình cảm rất lớn, bởi bạn đã đụng đến lòng tự trọng của một người lớn, chứ không phải một đứa trẻ

Một bậc phụ huynh phàn nàn rằng, chị đi phụ hồ cả ngày, về đến nhà mệt rũ. Nhưng bữa ăn do cô con gái chuẩn bị sơ sài, nghèo nàn đến nỗi không làm sao mà nuốt nổi. Chị tức lộn ruột.

Từ lúc đặt mâm cơm xuống bàn, chị đã hét vào mặt nó, mắng nó là đồ này, đồ nọ và so sánh con với đủ thứ trên đời. Suốt bữa ăn, chị vẫn lầm rầm ca thán không dứt. Nhưng điều chị “điên” nhất là nó đã làm sai, bị mắng là đúng, nhưng chị nói câu nào là nó cũng không thua một câu.

Chị mắng nó nứt mắt ra đã “xí xớn”, nó bảo “Vâng, con xí xớn”. Chị bảo nó, cái thứ con gái vụng về, nó bảo “Vâng, con vụng về”. Tức mình, chị hét lên, bảo nó là đồ mất dậy, nó đặt bát cơm xuống mâm, trước khi bỏ đi, nó bảo “Lúc nào con chả mất dậy”.

Những lời đối đáp kiểu đó khiến nhiều phụ huynh cảm thấy “sốc”, và nghĩ rằng chắc bà mẹ này không biết dạy con từ nhỏ. Tuy nhiên, thực tế, đây là chuyện mà bất cứ phụ huynh nào cũng có thể phải trải qua, kể cả là con trước đây vẫn rất ngoan ngoãn, nghe lời của họ, nếu họ vẫn giữ cách dạy và hành xử với con như vậy.

Vì sao trẻ thường nói ngang với người lớn khi bước vào tuổi mới lớn? Đó là vì trẻ đang ở lứa tuổi muốn khẳng định mình là người lớn. Mọi lời chửi bới, thóa mạ hay áp đặt đều gây cho trẻ ức chế đến vô cùng. Trẻ cảm thấy không được tôn trọng nên sẽ bộc lộ sự phản ứng gay gắt nhất của mình bằng một trong những hành động tiêu cực, đó là nói ngang, nói hỗn.

Trẻ nói ngang để chứng tỏ rằng trẻ chẳng làm gì sai và đó là hành động “tự vệ” của trẻ. Mặt khác, trẻ nói ngang là để khẳng định rằng mình đã lớn, mình không sợ bố mẹ, bố mẹ có thích thì cứ đánh.

Đứa trẻ nào cũng ý thức rằng nói ngang, nói hỗn với cha mẹ là hành động thiếu giáo dục. Vì vậy, nếu khi thấy trẻ bắt đầu có hiện tượng nói ngang, có nghĩa là sự bực tức đã lên đến đỉnh điểm, vượt quá sức chịu đựng của trẻ.

Những lúc như vậy bạn hãy dừng ngay việc mắng chửi, áp đặt trẻ hoặc điều khiển lại tông giọng của bạn trùng xuống. Bạn đừng dồn con vào thế mà con không hề muốn. Sau đó, hãy diễn đạt lại ý của bạn bằng giọng điệu ôn hòa hơn.

Khi trẻ đã phản ứng lại bạn, thì mọi lời quát nạt, dọa dẫm của bạn đều không có giá trị, thậm chí càng khiến trẻ thêm thể hiện sự thách thức. Mà chính điều đó lại là một sự khiêu khích khiến bạn không kiềm chế được, có khi dẫn đến những hành động mất kiểm soát hơn như đánh trẻ.

Điều này có thể sẽ tạo nên sự sứt mẻ hay một khoảng trống tình cảm rất lớn, bởi bạn đã đụng đến lòng tự trọng của một người lớn, chứ không phải một đứa trẻ như bạn vẫn nghĩ. Vì vậy, khi con nói ngang, hãy hết sức bình tĩnh. Bạn nên dừng lại 10 giây để nghĩ trước khi có những hành xử tiếp theo.

Xin lỗi con, nếu bạn cảm thấy mình vừa có những lời nói mất kiểm soát. Đó là cách duy nhất bạn thể hiện rằng mình vẫn tôn trọng con trong lúc này. Nhưng đồng thời, hãy cảnh báo trẻ, những lời nói ngang vừa rồi không thể chấp nhận được đối với đạo làm con. Nó không nên được phát ra bởi một đứa trẻ được ăn học tử tế.

Để tránh con có phản ứng tiêu cực, và tránh chuyện nói ngang như một thói quen của con, hãy luôn thể hiện mọi phản ứng của bạn một cách ôn hoà, còn nếu không thể, thì dù phản ứng gay gắt thế nào, bạn cũng phải thể hiện trên cơ sở tôn trọng con. Khi bạn tôn trọng con, con tôn trọng bạn thì không có lý do gì để trẻ cử xử hỗn hào với bạn.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *